Lê Hội Cầu Ngư Xã Xuân Liên
Xin kính chào quý vị và các bạn. Thưa quý vị! Tục thờ cá voi hay còn gọi là cá Ông là một phong tục thờ cá độc đáo của ngư dân nhiều vùng quê ven biển. Tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân đền thờ cá ông được xây dựng từ cách đây gần 300 năm. Với sự chung tay của cộng đồng dân cư, thời gian qua đền đã được trùng tu, phục dựng. Chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực khôi phục các lễ hội liên quan để không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương mà còn mong muốn thu hút du khách thập phương về tham quan chiêm bái.
Cá voi – được cư dân vùng biển tôn kính gọi là cá Ông và theo truyền thuyết thì cá ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm thả xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Lại có câu chuyện lưu truyền trong dân gian, rằng trong một lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá voi lớn ghé lưng đưa thuyền vào bờ. Sau này, khi lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông tước hiệu Nam Hải Đại tướng quân và cho lập miếu thờ cúng,… Có thể cũng vì lý do này mà dưới triều Nguyễn, người đầu tiên phát hiện cá voi mắc cạn sẽ được miễn sưu dịch 3 năm.
Người dân làng biển kiêng từ “chết” mà gọi là “lụy” để nói về những trường hợp cá Ông tử nạn. Họ tin rằng cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Vì niềm tin đó, mỗi khi có cá Ông bị nạn dạt vào bờ, dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất và để tang, hương khói như chính tổ tiên mình vậy. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ; mai táng trong đụn cát gần biển. Ba, bốn năm sau khi chôn, dân làng sẽ làm lễ cải táng, rồi đem cốt cho nhập lăng.
Đền Đông Hải hay còn gọi là Đền Cá Ông nằm ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, được xây dựng cách đây gần 300 năm, là nơi thờ vị thần Đông Hải Đại Vương hay còn gọi là thần cá. Đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2017. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thuở xưa, vào một buổi sáng, ngoài biển trôi dạt vào bãi cát của làng một bộ xương cá voi, người dân trong làng thấy vậy bèn đưa về đặt thờ trong đền làng và mỗi khi ra khơi vào lộng đều đến làm lễ cầu xin. Kết quả khá linh nghiệm. Về sau, họ xin lập đền riêng để thờ vị ngư thần gọi là đền Đông Hải. Hiện tại, ngoài ngôi mộ cá voi được chôn ngay giữa gian chính điện, thì còn có 17 ngôi mộ khác được đặt trong khuôn viên ngôi đền này.
Để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính, ngoài lễ mai táng, hằng năm, ngư dân Xuân Liên còn tổ chức các lễ cầu cúng như: Lễ cúng tất niên dịp tết nguyên đán; Lễ dâng hương trước khi ngư dân ra khơi và sau khi từ biển trở về; Lễ thắp hương ngày mùng 1, ngày 15 âm lịch hàng tháng; Lễ cúng rằm tháng giêng, tháng 7 âm lịch. Đặc biệt, lễ hội cầu Ngư vào ngày 15 tháng 1 âm lịch được người dân dành nhiều nghi thức trọng thể. Trước đó từ Tết nguyên đán, bà con nhân dân đã tổ chức các giải bóng chuyền hơi giữa các dòng họ, các thôn; Tổ chức diễn Trò Kiều, dân ca ví dặm mừng khánh thọ, Đến đêm 14 tháng giêng tiến hành lễ Tế thần Cá Ông và sáng ngày 15 tháng giêng tiến hành lễ rước thần, Đây là nét văn hóa đặc sắc của Làng biển Cam Lâm nói riêng và Xuân Liên nói chung. Tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân mà trong một thời gian dài, lễ hội bị mai một. Hiện nay, chính quyền địa phương đang cùng bà con nhân dân đang tiến phục dựng để bảo tổn, phát huy nét văn hóa truyền thống của cư dân làng biển và khôi phục các trò chơi giân gian tại lễ hội. Sau đây là một số hình ảnh tại Lễ Cầu ngư năm 2023