Lịch sử hình thành

KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI XUÂN LIÊN

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Về vị trí: Xuân Liên là xã ven biển nằm về cuối huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách huyện lỵ theo đường liên huyện về phía nam khoảng 13km. Trải qua quá trình biến đổi của lịch sử, cho đến nay, địa giới hành chính của xã được xác định như sau: Phía bắc giáp xã Cổ Đạm; phía nam giáp xã Cương Gián; phía tây giáp dãy Hồng Lĩnh, phía đông giáp Biển Đông.
Về đất đai: Hiện nay, tổng diện tích tự nhiên của xã là 1.070,3 ha. Trong đó:
Đất nông nghiệp chiếm 827,74ha; chủ yếu trồng lúa nước, màu, cây công nghiệp và một số cây lương thực khác;
Đất đồi núi trọc chiếm 119,30 ha; chủ yếu trồng rừng và xây dựng các trang trại theo các mô hình kết hợp.
Đất cát ven biển chiếm 49,10ha; chủ yếu trồng rừng phòng hộ ven biển;
Đất chưa sử dụng chiếm 74,1 ha, bao gồm mặt nước các ao hồ, các cồn bãi, đất đồi... có thể khai thác nuôi trồng hải sản, trồng rừng...
Là xã giáp biển nên thổ nhưỡng nơi đây cũng khá phức tạp: Vùng đồng bằng nằm giữa một bên là chân núi, một bên là rào Mỹ Dương nên đất đỡ bạc màu; Vùng đất cát ven biển có độ màu rất thấp, bị rửa trôi do có hiện tượng cát chảy tầng nông. Vì thế, năng suất cây trồng thường thấp so với nhiều vùng đất pha thịt khác của Nghi Xuân. 
Về địa hình: Xuân Liên thuộc vùng bán sơn địa, địa hình phức tạp, phía đông là những dài cát dài chạy thẳng ra biển, bên trong là vùng đồng bằng xen lẫn đồi núi.
 Các dãy Núi nơi đây thuộc dãy Hồng Lĩnh, có độ dốc khá lớn: từ 35 - 40 độ, nghiêng về phía đông và đông nam... cao nhất là đỉnh Cột Cờ (800m so với mặt nước biển) trải dài xuống tận biển. Các hòn núi khác như: Kim Sơn (còn gọi là Rú Gâm) - một nhánh của núi Phượng Hoàng; Rú Nống chạy từ tây sang đông chia vùng đồng bằng của xã làm hai khu vực Liên Hải và An Thịnh. Trước kia, đồi núi nơi đây là rừng rậm, có hệ động, thực vật phong phú: trong rừng có nhiều động vật quý; nhiều loại cây lấy gỗ, làm thuốc và cây cỏ mọc tự nhiên; nhân dân trong vùng thường khai thác gỗ và lấy củi, chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên, sau một thời gian dài khai thác tự do, tài nguyên rừng nơi đây đã bị khai thác cạn kiệt, đồi núi trở nên trơ trọi, chỉ còn lại lau lách và cỏ dại.
Khe suối, ao hồ: Trên địa bàn xã có một số khe, suối nhỏ bắt nguồn từ dãy Hồng Lĩnh như rào Mỹ Dương[1], đây là một nguồn nước lớn cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, xã có một lạch nước ngầm chảy từ làng Vân Hải (xã Cổ Đạm) qua làng Thiên Linh, dồn nước về, rồi đổ ra biển qua ngọn Trong Trên và ngọn Trong Dưới của làng Cam Lâm. Ngoài những nguồn nước ngọt ở các khe suối, trước đây xã Xuân Liên còn có một số hồ chứa nước tự tạo, các ao đìa nhỏ của các hộ nông dân cũng là nguồn nước ngọt quan trọng cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp trong xã.
Hiện nay, xã có ba hồ chứa nước loại nhỏ có trữ lượng từ 1.800 - 2.000 m3: hồ nước Xuân Hoa cung cấp nước cho 2 cánh đồng của Liên Hải và An Thịnh; hồ Đàng Bến (7ha) đang được đầu tư từ Dự án với số vốn lên đến 2,3 tỷ đồng cung cấp nguồn nước chính cho vùng trồng lúa An Thịnh. Ngoài ra, trong xã còn một số vùng nước lợ có thể nuôi trồng các loại hải sản nước lợ.
Bên cạnh đó, Xuân Liên còn có đường bờ biển dài hơn 3 km; có hai cửa lạch lớn là cửa Hội Thống (phía bắcvà lạch Đồng Kèn (phía nam) do rào Mỹ Dương đổ ra đã tạo cho Xuân Liên và các xã ven biển lân cận một ngư trường rộng lớn rất thuận tiện cho việc đánh bắt, nuôi trồng.
Khí hậu, thời tiết: Xuân Liên nằm trong tiểu vùng khí hậu Bắc Trung Bộ với hình thái đặc trưng là có hai mùa khá rõ: mùa nóng và mùa lạnh.
 Mùa nóng: thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. Đây là mùa chịu ảnh hưởng của gió tây nam (hay còn gọi là gió Lào) thổi thành từng đợt, mỗi đợt 3 - 5 ngày. Trước đây, khi hệ thống thủy nông chưa có, những năm gió Lào về sớm (thường từ đầu tháng 4), vào tiết lập hạ là lúc lúa chiêm đang trổ đòng, gây thiệt hại lớn. Đây cũng là mùa nắng nóng. Nhiệt độ trung bình thường cao: từ 30 - 35 độ. Những ngày nắng dữ, nhiệt độ có lúc lên đến 39 - 40 độ, gây khó chịu cho con người, khô hạn cho ruộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là mùa buổi chiều thường có gió đông nam (còn gọi là gió nồm) mang theo nhiều hơi nước từ biển thổi vào gây mát mẻ cho cả vùng, nhất là ban đêm. Cuối mùa nóng thường là mùa mưa, bão và lũ lụt, gây ngập úng cho mùa màng, nhà cửa của nhân dân; nhiều năm, lũ lụt kèm theo bão tố là nỗi kinh hoàng của nhân dân. Có năm, tháng 6 đã có bão. Xuân Liên cũng như nhiều xã khác ven biển của Nghi Xuân, hàng năm (thường từ tháng 7 đến tháng 10), luôn phải cảnh giác đề phòng bão biển. Khi bão đổ bộ lên đất liền, các xóm ven biển phải hứng chịu đầu tiên.
Mùa lạnh: thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đặc điểm của mùa này là nhiệt độ trung bình xuống thấp: từ 17 - 20 độ, có gió mùa Đông bắc và Tây bắc, gây mưa phùn và giá rét. Rét nhất là tháng 1, tháng 2: nhiệt độ có khi xuống dưới 10 độ, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gia súc cũng như cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
 
II. SỰ HÌNH THÀNH DÂN CƯ, LÀNG XÓM, TÊN GỌI VÀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH QUA CÁC THỜI KỲ
Trước Cách mạng tháng 8/1945, địa danh Xuân Liên chưa xuất hiện, tiền thân của xã là các làng Phú Lạp - Thiên Linh, Cương Đoán và trang Cam Lâm. Các làng này đều nằm trong tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân.
 Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thực hiện thực hiện chủ thị của cấp trên, huyện Nghi Xuân từ 5 tổng với 33 làng, xã cũ được tổ chức lại thành 13 xã mới, các xã Cương Đoán, trang Cam Lâm, xã Liêu Động, Phú Lạp, Cổ Đạm, thôn Vân Hải được hợp nhất thành xã Hoa Khê. Tháng 6/1954, sau khi phát động quần chúng triệt để giảm tô, Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 4 chủ trương tách các xã lớn ra thành các xã nhỏ. Theo đó, các làng Phú Lạp - Thiên Linh, Cương Đoán và trang Cam Lâm được tách ra lập thành xã mới, lấy tên là xã Xuân Liên[2]
Trải qua nhiều lần tách, nhập, các thôn, xóm, làng cũ, đến nay, toàn xã có1883 hộ với 8873 khẩu, tập trung trong 11 thôn, xóm.
Do tư liệu về quá trình hình thành dân cư và làng xã của vùng đất Xuân Liên còn lại rất ít nên chỉ có thể trình bày khái quát quá trình hình thành một số làng của Xuân Liên như sau:
- Làng Cam Lâm
Trước cách mạng là làng Cam Lâm gọi là Trang Cam Lâm, (Trang này chiếm nửa phần đất của xã Xuân Liên ngày nay). Theo gia phả họ Trần ở đây thì ông Trần Cảnh vốn là người của xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà ngày nay), đến ngụ cư tại xã Phú Lạp (nay là xã Cổ Đạm). Năm Mậu Thìn (1568), ông xin xã bãi cát ven biển rồi rủ thêm hai ông Nguyễn Nhật Tân và Lê Công Toản (người Phú Lạp) cùng đến đến khai hoang. Một hôm, trên bãi cát ven biển đó có một con cá Ông Voi to đã chết bị sóng đánh dạt vào. Ba ông tổ chức chôn cất và dựng hai ngôi đền: Đền Thượng thờ Ngư Ông (đền Đông Hải); đền Bản Thổ thờ Thành Hoàng ấp với mong muốn cầu xin ngài phù hộ độ trì cho người dân nơi đây an cư lạc nghiệp. Cũng từ đó, dân đến đây định cư ngày càng nhiều, lập thành một làng đông đúc, việc làm ăn, đi biển đánh cá gặp nhiều thuận lợi. Ông bèn viết tấu lên trên xin lập ấp mang tên “Tiên Ấp” nhưng trên chỉ duyệt cho cái tên “Hạ Mão Ấp”. Về sau, vùng đất được chuyển từ Hạ Mão ấp thành Cam Tuyền trại. Đến đời Cảnh Hưng được công nhận là “Cổ Đạm tổng, Phú Lạp xã, Cam Tuyền trang”.
Hiện nay, trang Cam Lâm gồm có 5 thôn: Lâm Hoa, Lâm Hải, Lâm Thịnh, Lâm Phú, Lâm Vượng, nghề nghiệp chủ yếu là khai thác thuỷ sản.
- Làng Cương Đoán
Về việc ra đời, phát triển làng Cương Đoán nói riêng và các làng cổ ven biển Nghi Xuân nói chung, sử chép: Trước kia, khi biển còn nằm sâu trong lục địa và do quá trình vận động kiến tạo của địa chất, lục địa ngày càng lấn dần ra biển. Khoảng thế kỷ XIV, huyện Chân Phúc (gồm huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) được mở rộng ra so với bờ biển xưa khoảng 3 - 5km, kéo dọc từ cửa Xá (Của sông Cấm, làng Thượng Xá - Nghi Lộc - Nghệ An) đến Lạch Kèn (Cửa Phượng Giang - làng Cương Gián) dài trên 40km. Thời đó, dọc bãi biển còn hoang sơ này chỉ là những cồn cát khô cằn, xen kẽ là những lùm, lòi và dần dần cư dân ở các nơi khác tìm đến khai phá đất đai để trồng trọt và làm nghề đánh cá, xây dựng cuộc sống mới. Do vậy, dần hình thành nên những cụm dân cư và những cụm dân cư này ngày càng phát triển quần tụ lại thành những làng mạc sầm uất.
Còn theo một câu chuyện truyền miệng dân gian thì khoảng cuối thế kỷ XIV, ở làng Canh Hoạch (nay là Thạch Mỹ - Lộc Hà - Hà Tĩnh) có hai anh em là Hoàng Quế và Hoàng Mỹ, đến vùng Phú Lạp định cư và lập nghiệp. Một đêm nọ, có một người khách bộ hành lỡ đường, xin vào ngủ trọ trong nhà hai anh em. Sáng ra, người khách lỡ đường đó đã chết, bị mối vùi lên thành đống (dân làng gọi là mộ thiên táng). Hoảng sợ quá, hai anh em bỏ trốn. Người anh Hoàng Quế tìm đến vùng đất dưới chân Núi Hồng (nay là xã Xuân Viên) lập nghiệp. Người em tìm đến vùng Cương Đoán (nay làng Cương Thịnh, xã Xuân Liên) sinh sống. Tại hai nơi này, hai anh em đã khai hoang lập trại, dần có cuộc sống ổn định. Sau có một số người thuộc dòng họ khác về quy tụ tại đây cùng nhau sinh cơ lập nghiệp. Như vậy, có thể coi ông Hoàng Mỹ là người đầu tiên đến gây dựng làng Cương Đoán.
Làng đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như là làng Bừ, làng Thìn, Lâm An. Làng có ba thôn: Cường Thịnh, Trung Thịnh và An Phú Lộc1
- Phú Lạp - Thiên Linh
Theo các tư liệu mà nhân dân ở đây có được thì Phú Lạp - Thiên Linh ngày nay được hình thành gồm 4 thôn: Linh Trung, Linh Vượng, Linh Trù, Linh Tân
III. NHỮNG NÉT NỔI BẬT TRONG ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NGƯỜI XUÂN LIÊN
1. Đời sống vật chất 
 Ngành nghề chủ yếu: Với đặc thù của một xã vùng biển, nhân dân nơi đây sống bằng hai nghề chủ yếu là nông nghiệp và ngư nghiệp (7 xóm làm nông nghiệp và 5 xóm làm ngư nghiệp). Ngoài ra, trong từng thời kỳ, bà con còn làm thêm một số nghề phụ khác như chế biến hải sản, làm mộc, đan lát, xây dựng....
Về nông nghiệp: Với đặc thù thổ nhưỡng là đất cát và sét dốc tụ bạc màu, không thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, lại chịu ảnh hưởng của thời tiết nên mỗi năm bà con chỉ làm được một vụ lúa chiêm, năng suất rất thấp: từ 30 - 40 kg/sào Trung Bộ (500m2) nên đời sống của bà con nông dân rất khó khăn, cảnh thiếu đói thường xuyên sảy ra.
Ngoài trồng trọt, đánh bắt hải sản thì việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối truyền thống cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do những khó khăn trong vấn đề lương thực nên mức độ chăn nuôi còn rất hạn chế. Chăn nuôi trâu, bò chỉ có ở các gia đình trung nông trở lên. Ngày nay, các hoạt động chăn nuôi của xã đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, và trở thành một trong những nghề chính của bà con.
Về ngư nghiệp: đi biển từ lâu đã là nghề chính của ngư dân Xuân Liên. Trước đây, chỉ có những hộ giàu có mới có tiền đóng tàu, thường gọi là chủ thuyền; còn người dân vạn chài thì bỏ sức lao động chống, chèo thuyền ra khơi đánh cá. Vì vậy, nguồn hải sản đánh bắt được, thường đem về chia đôi, chủ thuyền một nửa, vạn chài một nữa, trong khi chủ thuyền chỉ có một, vạn chài thì đông. Thế nên, người vạn chài bấy giờ “chồng con cá, vợ lá rau” vẫn không đủ sống. Đó là chưa kể, những tai nạn rủi ro ngoài khơi xa, cảnh bão tố lật thuyền, mất mát tang thương thường xuyên xảy ra... thân phận của những người dân vạn chài lúc bấy giờ rất khổ cực. Ngày nay, các phương tiện đánh bắt đã được cơ giới hóa bằng các loại thuyền gắn máy, được trang bị các thiết bị dự báo thời tiết hiện đại nên năng suất đánh bắt được nâng cao, đời sống của ngư dân đã trở nên khấm khá.
Không chỉ có nghề đánh bắt mà nghề chế biến hải sản, nghề đan lưới ở Xuân Liên cũng rất phát triển, một thời làm nên những làng biển trù phú nhất nhì trong tỉnh như làng đan lưới Cam Lâm, được xếp ngang với những nghề truyền thống ở Nghi Xuân như đúc gang Uy Viễn, đúc đồng Tả Ao, mắm tươi An Lạc, Báu Lâm, đan nón Tiên Điền...
Bên cạnh đó, các ngành nghề phụ như mộc, xây dựng... cũng khá phổ biến, chủ yếu làm để phục vụ nhu cầu trong gia đình, trong làng xã... Ngày nay, các ngành nghề này đang có xu hướng phát triển, cho thu nhập khá nên được nhiều người quan tâm, nhất là các dịch vụ sửa chữa xe máy, cơ khí, chế biến lương thực... Việc mở rộng các ngành nghề, giao lưu, buôn bán và dịch vụ cũng đã và đang được Đảng bộ và nhân dân Xuân Liên đẩy mạnh. 
Ăn, ở: Trước đây, nhiều gia đình nông dân và ngư dân ở đây thường đứt bữa; khoai nhiều hơn cơm. Thức ăn chủ yếu là rau, nhút, tương cà. Ngoài ra còn có những thức ăn được chế biến từ hải sản như: tôm, cua, cá, hoặc các loại mắm chế biến từ hải sản như mắm tôm, mắm cá… cuộc sống khó khăn, chật vật, đã tạo nên cho người dân nơi đây một tập quán ăn uống cần kiệm.
Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, cái ăn của con người cũng nhiều sự lựa chọn phong phú và đa dạng hơn, tùy thuộc theo nhu cầu và điều kiện kinh tế của từng nhà. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn giữ được những nét đẹp xưa, không xa hoa, lãnh phí.
Cũng như các cư dân miền biển xưa, nhà ở của người dân nơi đây thường thấp để tránh bão, 2 chái, có kết cấu các vì kèo và hệ thống cột cái. Nhà nghèo chủ yếu làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Quanh nhà thưng bằng phên nứa hoặc trát bằng bùn trộn với rơm, mái lợp bằng tranh. Kiểu nhà này phải có cột chôn sâu trong lòng đất để tránh gió bão.
2. Đời sống tinh thần
Tín ngưỡng, tôn giáo: Trước đây, cũng như nhiều vùng quê khác của nước ta, người dân Xuân Liên rất tôn trọng Nho giáo. Dù nhà giàu hay nhà nghèo, có học hay thất học, ai cũng muốn học được một ít chữ thánh hiền của Đức tổ Khổng Tử như “tam cương”: quân - sư - phụ, “ngũ thường”: vua - tôi; cha - con; vợ - chồng; anh - em; bạn bè - bằng hữu; “tứ đức”: công - dung - ngôn - hạnh của người con gái... để đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, ai cũng rất coi trọng triết lý “từ - bi - hỷ - xã” mong cứu khổ, cứu nạn cho con người của Phật pháp. Bởi các triết lý đó phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc từ ngàn đời để lại. Bằng chứng là trong một số làng có nhà Thánh Văn thờ Khổng Tử và có chùa thờ Đức phật. Hiện nay, các công trình ấy không còn nữa do chiến tranh hoặc do quá trình hợp tự trong kháng chiến chống Pháp hay sau hòa bình lập lại (1948, 1954) đã bị phá.
   Sinh hoạt văn hóa: Hàng năm, ở đây có Hội cầu Ngư được tổ chức tại đền Đông Hải Đại Vương ( tháng giêng âm lịch )để cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, bà con đi biển yên lành và thu được nhiều tôm cá... Các sinh hoạt văn hoá dân gian cũng rất phong phú và đa dạng, trở thành một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu của các cư dân Xuân Liên xưa.
   Xuân Liên còn là vùng nổi tiếng về Hội hát trò và phong trào văn nghệ dân gian. Xã có một đội hát Trò Kiều nổi tiếng khắp huyện, được mời biểu diễn ở nhều nơi. Cứ mỗi năm hai lần, khi Tết đến xuân về hoặc vào các ngày hội cầu Ngư ở những làng ven biển, tiếng trống trò và tiếng hát trò vang lên, thu hút bà con trong vùng đến thưởng thức. Tất cả các sinh hoạt văn hoá, thể dục, thể thao... đều thể hiện tình yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống và tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, làng xóm của người dân ở đây.
Những nét riêng, đặc trưng về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói trên đã góp phần tạo nên một vùng quê mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn miền biển Việt Nam: giản dị, đằm thắm, nghĩa tình, hiền hoà và chan chứa yêu thương.
3. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa 
Ở Xuân Liên, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng được thể hiện rất đậm nét. Xã có một hệ thống miếu, đền thờ các thiên thần, nhân thần có công khai phá, dựng nên làng xã, có giá trị nhân văn cao. Một số công trình đang được đầu tư tôn tạo lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, như:
- Đền Cam Lâm:. … Đền được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2008 
- Đền th Giếng Am (đền Lam Sơn): Đền nằm dưới chân Rú Nấy. Đây là ngôi đền mà theo các sắc phong còn lưu giữ được là thờ một vị Tướng quân có công với nước thời Lam Sơn khởi nghĩa và được nhân dân tích cực bảo vệ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đền thờ Giếng Am đã được trùng tu, tôn tạo và đổi tên là đền Lam Sơn.
- Đền th Đông HĐại Vương: Như trên đã giới thiệu, theo truyền thuyết thì trước đây có một con cá Voi bị chết, trôi dạt vào làng Cam Lâm. Nhân dân ở đây đã chôn cất, lập đền thờ và đặt tên là đền Đông Hải Đại Vương. Hàng năm, nhân dân trong vùng đến thắp hương cầu nguyện cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa để bà con ra khơi vào lộng được bình yên, nhiều tôm cá... Hàng năm, vào các ngày lễ tết, bà con ngư dân trong làng đến đây dâng lễ để cầu mong thần Ngư Ông phù hộ độ trì.
Gần cuối thế kỷ XIX, Đạo Thiên Chúa giáo được du nhập vào đây, bà con theo đạo đã góp công, góp sức xây dựng nhà thờ xứ tại làng Cam Lâm. Theo số liệu thống kê, hiện nay, xứ giáo Cam Lâm có số dân là 430 người. Hiện nay, bà con giáo dân ở đây đang thực hiện tốt giáo lý: “sống tốt đời - đẹp đạo”, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Mối đoàn kết lương - giáo luôn được tôn trọng, giữ vững và phát triển để bà con được “sống phúc âm trong lòng dân tộc”.
- Đền Làng Thiên Linh
Nhà thờ xứ Cam Lâm: nằm ở thôn An Phú Lộc là thôn có 100% đồng bào theo đạo Thiên Chúa; được xây dựng từ năm 1875; sau các lần trùng tu, đến năm 1997, được tôn tạo hoàn chỉnh bao gồm: nhà thờ chính, nhà giáo lý, khuôn viên ngoài trời. Các ngày lễ trọng như Nô en, Chầu lượt,...và các ngày lễ cầu nguyện được tổ chức nghiêm túc và được chính quyền địa phương bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.
Qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, vùng đất và con người Xuân Liên cũng có nhiều biến đổi về ranh giới địa hành chính, tên gọi nhưng truyền thống và các phong tục tập quán, những quan niệm về đạo đức, nhân cách và nhất là tình yêu quê hương, đất nước thì không mấy thay đổi và ngày một được hun đúc để rồi trong các cuộc biến thiên của lịch sử, người dân ở đây đủ sức chống chọi với thiên nhiên hung dữ, với giặc dã bạo tàn, cùng cộng đồng dân tộc Việt Nam giữ yên bờ cõi, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.