DI TÍCH LSVH CẤP TỈNH NHÀ THỜ LÊ ĐÌNH TƯƠNG
Ông Lê Đình Tương quê gốc ở xã Cương Gián, sau dời đến làng Thiên Linh xã Phú Lạp tổng Cổ Đạm (nay là xã Xuân Liên). Ông sinh năm Kỷ Dậu (1789). Ông là người thông minh, giỏi võ nghệ, lại là dân vùng biển, nên vừa theo nghề đánh cá biển, lại quen với cách ra vào luồng lạch. Vì vậy, khi ông vào thủy binh và cùng đội nhiều lần đánh tan giặc cướp biển, bảo vệ bình an cho vùng biển Thanh - Nghệ. Ông trở thành một trong những người cầm quân thủy binh tài giỏi vùng này. Không những thế ông còn bày cho ngư dân cách đánh cá được nhiều
.
Ông mất ngày 17 tháng 10, mộ táng tại làng Thiên Linh, do có công với đất nước ông được triều đình chỉ dụ cho dân xã Phú Lạp lập đền thờ ông theo nghi lễ quốc gia. Các sắc chỉ phong cho ông Lê Đình Tương nói lên điều đó. Dưới đây là các bản còn lưu lại được:
Bản 1 (lược dịch): Sắc tái phong ngài Lê Đình Tương suất đội, đội trưởng chính của đội 8 thủy binh. Quê xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ. Chiếu sắc tái phong thi hành - Minh Mạng năm thứ 4 (1823) ngày 14 tháng 7.
Bản 2 (lược dịch): Sắc phong ngài Lê Đình Tương suất đội, đội trưởng chính đội 4 đội mũi nhọn đã có công xây dựng, rèn luyện và tích cực, chịu khó trong mọi công việc của đội, là nòng cốt xây dựng đội trở thành đội khá - Minh Mạng năm thứ 14 (1833) ngày 18 tháng 11.
Bản 3 (lược dịch): Tặng bằng khen vượt 4 cấp về võ thuật ngài đội trưởng đội 4 Lê Đình Tương. Ngài và tổng đốc An - Tĩnh chiếu quyết định thi hành - Minh Mạng năm thứ 19 (1838) ngày 18 tháng Giêng.
Bản 4 (lược dịch): Sắc tái phong ngài Lê Đình Tương suất đội, đội trưởng chính của đội 7 thủy binh có võ thuật cao cường. Quê xã Phú Lạp tổng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngài Lê Đình Tương chiếu quyết định thi hành - Minh Mạng năm thứ 20 (1839) ngày 18 tháng 11.
Bản 5 (lược dịch): Sắc ngài Lê Đình Tương suất đội, đội trưởng chính của đội 8 thủy binh hay: Tuy ngài đã hoàn thành nghĩa vụ, song qua thăm dò ý kiến của ngài tổng đốc An - Tĩnh quyết định đề bạt bổ sung ngài đảm nhiệm suất đội trưởng đội chính thủy binh. Mong ngài chấp chính thi hành - Thiệu Trị năm thứ 6 (1846) ngày 10 tháng 11.
Bản 6 (lược dịch): Theo luật của đời vua Gia Long thứ 18 quy định: Những quan văn và võ có chức hàm từ chính ngũ phẩm đến chính lục phẩm có con trai thì miễn đi lính một người. Ngài Lê Đình Tương là suất đội, đội trưởng chính của đội 8 thủy binh. Quê xã Phú Lạp tổng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Vậy thông tri để địa phương biết con ngài Lê Đình Tương là đội trưởng chính của đội 8 thủy binh: Anh Lê Thọ 29 tuổi được miễn đi lính - Tự Đức năm thứ 2 (1849) ngày 27 tháng 11.
Bản 7 (lược dịch): Căn cứ luật của triều đình và công ơn đóng góp phục vụ dân chúng của ngài Lê Đình Tương. Nguyên suất đội trưởng, đội trưởng chính đội 8 thủy binh được hưởng chế độ nghỉ hưu tại xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - Tự Đức năm thứ 8 (1855) ngày 26 tháng 7.
Nhà thờ Lê Đình Tương trước đây xây sát biển, nên cơn bão năm 1982 đã phá hỏng và đồ thờ bị cuốn trôi. Nhà thờ đã được xây lại trên địa thế hiện nay. Năm 1997 nhà thờ mới hoàn chỉnh và có hình thế chữ “đinh” (giống chữ T).
Thượng điện là gian dọc, gồm 1 vì kèo gỗ gác tường tạo thành 2 gian. Sát tường sau xây một hương án, trên đặt long ngai với bài vị của ông Lê Đình Tương: “Đức thần tổ tiền nhân ưu binh thắng vệ chánh lục phẩm suất đội tặng hùng y kỳ úy tặng nhuệ đại tướng quân tôn thần”, hai bên có 2 ngai thờ, phía trước là hương án thấp hơn trên đặt các đồ thờ thông dụng khác và đặc biệt hơn là trên có hộp chúc bản. Hạ điện có 2 vì kèo gác trên hai mặt tường trước của thượng điện và hạ điện. Gian giữa có một hương án gỗ trên đặt bát hương và các đồ thờ thông dụng khác. Trên mặt tường trước đắp nổi 4 chữ “Lê Chi Từ Đường”, cột quyết có 2 đôi câu đối:
“Cương Gián nguyên lưu truyền phái viễn
Thiên Linh chi diệp hướng xuân vinh”.
“Tài bồi đức đại truy tư niệm
Hiếu đễ đường trung lạc thái hòa.”
Ngoài bờ sân là tắc môn đắp nổi hổ phù. Trong tường bao là một số cây xanh mát. Ngoài việc hương khói những ngày sóc vọng, hàng năm nhà thờ tổ chức trọng thể ngày kỵ của ngài vào ngày 17 tháng 10.
Nhà thờ Lê Đình Tương đã được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 1800/ QĐ-UBND, ngày 22/6/2010.