Tuesday, 01/07/2025 | 14:51
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Liên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐỀN BẾN- XÃ XUÂN LIÊN

 

Đền Bến ở thôn Phú Lộc, làng Bừ, xã Cương Đoán xưa, nay di tích được định vị tại làng Cường Thịnh, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, phân loại đền Bến thuộc loại hình di tích lịch sử - danh nhân văn hóa. Di tích đền Bến còn gọi là đền Tam Thánh, là nơi thờ 3 vị thần, Lý Thái úy Tô Đại Liêu (Tô Hiến Thành), Cương Quốc Công Nguyễn Xí và Hoàng Minh. Trên long ngai có 3 bài vị thờ được ghi theo thứ tự thần tích.

 

  1. Bản thuộc Quốc công kinh thông Cương Khấu khai cơ tán trị yên nội ninh ngoại lịch triều gia phong thượng đẳng tối linh thần

Nguyễn Xí, sinh năm Đinh Sửu (1397), quê làng Động Gián (nay là xã Cương Gián), con ông Nguyễn Hội, cháu nội cụ Nguyễn Hợp. Gia đình ông Hội có kết giao thân tình với hào trưởng Lê Khoáng ở Lam Sơn. Khi cha mất, anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí được cụ Lê Khoáng nuôi dưỡng. Minh chủ Lê Lợi, con trai thứ 3 của cụ Lê Khoáng coi Nguyễn Xí như anh em ruột thịt. Năm Bính Thân (1416), Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai, dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc Minh cứu nước, anh em Nguyễn Xí là những người đầu tiên gia nhập vào đội quân khởi nghĩa. Ngày mồng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi chính thức dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương. Tướng quân Nguyễn Xí được Vương giao việc chỉ huy đội quân thiết đột tinh nhuệ cận vệ bộ chỉ huy tối cao. Từ ngày tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đến khi thắng lợi, Nguyễn Xí đã từng “vào sinh ra tử”, tham gia nhiều trận đánh lớn, góp phần làm nên chiến thắng Bồ Mộng, Quan Du, núi Chí Linh, thành Nghệ An, Diễn Châu, Ninh Kiều, Tốt Động, Chúc Động, Đông Quan, Chi Lăng, Xương Giang. Năm 1428, Lê Lợi tuyên “Bình Ngô đại cáo”, mở hội khao quân, định văn võ, ban thưởng tướng sĩ lập công, Nguyễn Xí được phong “Long Hổ Thượng tướng quân, suy trung Bảo chính công thần”. Năm 1429, được phong “huyện hầu”, gia tặng khai quốc công thần Á quận công. Ông làm quan trải qua 4 triều vua Lê: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông. Được vua Thái Tổ di chiếu trao chức “Phụ Nhiếp chính triều”, giúp Thái Tông điều hành việc nước. Đặc biệt lập công lớn, diệt phản nghịch Lê Nghi Dân, đưa Hoàng tử Tư Thành lên làm vua, mở ra triều đại Lê Thánh Tông thái bình thịnh trị trong lịch sử nước ta. Năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí qua đời, hưởng thọ 69 tuổi.

 

Ở di tích đền Bến đang bảo tồn 3 đạo sắc phong thần cho Thành Quốc Công. Đạo thứ nhất ghi ngày 26 tháng 7, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Đạo sắc thứ 2, niên đại ghi ngày 20 tháng 2 năm thứ 2 (1890). Nội dung giao cho xã Cương Đoán, huyện Nghi Xuân theo trước đó thờ cúng vị thần Chưởng vệ sự Thành Quốc Công, từng giúp nước cứu dân, nay phong tặng Dực bảo Trung hưng chi thần, chuẩn cho lê dân thờ cúng thần như cũ. Đạo sắc thứ 3, ghi ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924). Nội dung công nhận việc trước đây 4 xã có thờ cúng vị Chưởng Vệ sự Thành Quốc công, đã được tặng Đoan túc Dực bảo trung hưng, nay nâng bậc gia tặng trác vệ Thượng đẳng thần, chuẩn việc thờ cúng như cũ.

  1. Tô tướng công Đại Liêu anh đoán hoằng gia phong thượng thượng đẳng tối linh tôn thần

Đây là bài vị thờ Lý Thái úy Tô Đại Liêu ở đền Bến. Tên thật của ông là Tô Hiến Thành, quê ở làng Hạ Mỗ (nay là thôn Hạ Mỗ, xã Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Tây, Hà Nội) đỗ Thái học sinh khoa Mậu Ngọ (1138), làm quan vào đời vua Lý Anh Tông (1175 - 1209), giữ đến chức Đại liêu Phù tá. Ông còn được gọi Lý Thái úy Tô Đại Liêu. Tô Hiến Thành là nhân vật lịch sử văn võ song toàn, một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa ở nước ta. Đặc biệt, ông là nhà khai hoang lấn biển tại các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay. Sau khi mất, nhiều nơi lập miều thờ ông làm phúc thần, làm Thành Hoàng. Ở di tích đền Bến đang bảo tồn 4 đạo sắc phong thần cho vị Tô Đại soái. Đạo thứ nhất đề ngày 15 tháng 11 năm Tự Đức thứ 3 (1850). Đạo thứ 2 đề ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880). Đạo thứ 3 đề ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909). Đạo thứ 4, đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9. Nội dung sắc phong đều công nhận việc thờ cúng vị thần hiệu Lý Thái úy Tô Đại soái, giao cho xã Cương Đoán tiếp tục thờ cúng theo từ điển.

  1. Mạnh lang Hoàng Minh tự thượng đẳng tối linh tôn thần

Vị thần Hoàng Minh có 1 đạo sắc phong thần, ghi ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 9 (1909). Nội dung sắc phong thần Hoàng Minh chung với vị thần Cương Khấu (Nguyễn Xí), Đông Hải cự ngư (thần cá Đông Hải). “Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát chưa phát hiện tài liệu gì về nhân vật được thờ có hiệu là Hoàng Minh tự thượng đẳng tối linh tôn thần. Theo các vị cao tuổi trong làng thì vị thần trên là một nhân vật lịch sử họ Hoàng trong xã Cương Đoán đã có công phò tá Nguyễn Xí và hiện tại di tích còn lưu sắc cổ trên của vua Duy Tân năm thứ 3 phong cho vị Hoàng Minh.” (Hồ Bách Khoa - tác giả hồ sơ di tích đền Bến).

Trước đây di tích có kiến trúc bằng gỗ, gồm 3 tòa nhà thờ, thượng, trung, hạ điện. Sau đó chỉ còn thượng và trung điện. Năm 2010, phục dựng hạ điện, kết cấu đơn giản. Di tích đền Bến nằm trong thửa số 116, tờ số 11, bản đồ địa chính xã Xuân Liên. Diện tích khu vực bảo vệ 6112,4 m2 .

Cổng được xây 2 trụ hình vuông, trên đắp theo kiểu đèn lồng và cặp con nghê chầu nhau. Tại cổng có câu đối:

“Linh thanh cương nhật nguyệt

Đinh Mão thọ sơn hà”.

Tắc môn hình chữ nhật. Mặt trước đắp nổi phù điêu hình hổ.

Nhà hạ điện, diện tích 28,5 m2 , kết cấu đơn giản hồi xây theo kiểu bít đốc, vì kèo gác tường, mái lợp ngói 22/12. Mặt trước có 3 cửa chính, 2 đầu hồi có 2 cửa phụ. Hạ điện không bài trí đồ thờ. Nhà trung điện, diện tích 12 m2 , kết nối với hạ điện, mái đổ bằng. Mặt chính trung điện có xây 1 hương án. Trên treo 2 bức biển: “Anh Liệt” (nguyên gốc) “Phúc - Lộc - Thọ” (mới cúng tặng).

Có câu đối viết trên trụ tường. Cạnh đó là 2 con hạc bằng gỗ. Phía trong bên trái, bên phải có đặt hương án mỗi bên, trên bài trí long ngai, bài vị và các đồ thờ truyền thống. Nhà thượng điện, diện tích 8 m2 , được xây cao theo kiểu nhà 2 tầng. Mái lợp ngói 22/12. Bài trí nội thất; chính giữa có hương án, trên bài trí đồ thờ tự, long ngai, bài vị bằng gỗ nguyên gốc. Bài vị Nguyễn Xí đặt ở giữa, hai bên là bài vị Lý Thái úy Tô Đại Liêu và Hoàng Minh. Hai bên cánh gà đặt long ngai thờ đối xứng nhau.

Di tích đền Bến được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 12/7/2016. Đây là nơi thờ 3 nhân vật lịch sử: Tô Hiến Thành, Nguyễn Xí và Hoàng Minh, địa chỉ bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của làng Cương Đoán xưa và thôn Cường Thịnh nay. Ngoài ra di tích còn lưu trữ 40 đạo sắc phong của các triều đại vua Lê, vua Nguyễn phong thần cho vị nhân thần Lý Thái úy Tô Đại Liêu, Quốc công Nguyễn Xí, Hoàng Minh và vị thần núi Kim Sơn, thần biển Đông Hải, là những tín ngưỡng của cư dân vùng này. Số sắc phong này được hợp tự về đền Bến trong thời kỳ cải cách ruộng đất và được bảo tồn chu đáo.

 


Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online: 3
Tất cả: 8.837

Sự kiện Sự kiện