Wednesday, 15/01/2025 | 21:57
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Liên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CỤM ĐÌNH, ĐỀN TRANG CAM LÂM

 

Trang Cam Lâm ngày trước, nay là nửa phần đất của xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân) cách trụ sở UBND xã Xuân Liên về phía Đông chừng 300m.

Theo gia phả họ Trần ở trang Cam Lâm thì ông Trần Cảnh vốn là người Thịnh Lộc (huyện Can Lộc), đến ngụ cư ở xã Phú Lạp (nay là xã Cổ Đạm). Là dân ngụ cư, nên mọi khoản đóng góp với làng với xã ông đều lo đầy đủ, chu tất nhưng vẫn bi coi thường khinh rẻ. Năm Mậu Thìn (1568), ông bèn xin ra bãi cát ven biển rồi chiêu dân lập ấp. Ở vùng cồn hoang cát bạc ngoài rìa làng. Nơi thủy triều luôn đe dọa, có lúc gặp bão tố sóng biển vào xóa sạch. Ấy vậy mà ông vẫn rủ được hai ông Nguyễn Nhật Tân và Lê Công Toản dân Phú Lạp cùng đến.

Có một hôm, trên bãi cát ven biển, sóng đưa vào một khúc xương “cá ông” to như cái lon (vại nhỏ), ông bèn dựng lên hương khói để xin phù hộ cho an cư lạc nghiệp. Từ đó vùng này yên ổn, làm ăn thuận lợi. Ông bèn bàn với hai ông bạn trong nhóm dựng hai đền ở hai đầu đất: Đền Thượng thờ Cá Ông (vì ở đầu dòng chảy của biển) và đền Bản Thổ. Lúc này, hai đền chỉ là hai túp lều để tiện cho việc hương khói. Cũng từ ngày đó, vùng dân cư này ngày càng thịnh vượng. Ông bèn viết tấu lên trên xin lập ấp mang tên “Tiên ấp”, trên chỉ duyệt cho tên “Hạ Mão ấp”.

Sau đó lại được một người Tàu chọn cho huyệt đào giếng, khung giếng làm bằng gỗ, nhưng nước trong và ngọt nổi tiếng. Lúc này dân dựng lại hai đền thờ bằng gỗ và lợp tranh. Đền Thượng thờ Ngư thần còn gọi là đền Đông Hải, hiệu của thần là “Đương giới quản hải đạo ngư ông lịch nâm linh ứng uông nhuận tùng ba lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh tôn thần”. Đền Bản Thổ thờ Thành Hoàng ấp. Sau đó dựng đình, đình đặt hướng Đông Nam (hướng giữa của đền Thượng: Đông và đền Bản Thổ: Nam). Lúc đầu đình là gian nhà nhỏ cùng làm nơi họp ấp. Một lần bão trôi vào trước cửa đình một cây thiết mộc lớn. Dân cho là ý trời, bèn xẻ gỗ làm đình khang trang nhưng lợp tranh. Có nước giếng tốt, đình lại đặt hướng tốt, nên phát “đinh” nhanh, từ Hạ Mạo ấp chuyển thành Cam Tuyền trại. Đến đời Cảnh Hưng được công nhận là “Cổ Đạm tổng, Phú Lạp xã, Cam Tuyền trang”.

Chuyện kể: Năm nhà vua qua đây, thấy giếng gần biển mà nước ngọt, ngon nên nhà vua cho đổi tên thành Cam Lâm trang (hơn nữa Tuyền là tên Huý của nhà vua).

                                                                                    Đền Cam Lâm 

Đền Bản Thổ Thành Hoàng được trùng tu, nâng cấp dần theo thời gian. Nay hậu đền là nhà dọc hai gian, trên cuốn vòm bằng đá nhỏ trộn vôi hàu và mật. Bên trong là bệ thờ lớn, trên cao đặt 3 long ngai lớn, cùng với ba hộp đựng ba mão của Thành Hoàng, có lẽ tượng trưng cho ba ông tổ của 3 dòng họ khai lập ấp được thờ làm Thành Hoàng, nhưng hiệu Bản Thổ Thành Hoàng là “Đương cảnh Thành Hoàng thổ phủ thổ chúa đại thần hậu huống đại vương lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh tôn thần” (lúc đầu chỉ được phong “trung đẳng tôn thần”). Hai bên là hai long ngai nhỏ thờ tả hữu thần phù trợ. Trên kê thờ có chiếc bòng lớn để đặt lễ vật. Kệ thấp hơn đặt chiếc long đình bằng gỗ, diện tích nền cỡ 1m2 , chạm trổ bốn mặt, mái và nóc sơn son thếp vàng lộng lẫy, dùng để rước (có kiệu đặt ở bái đường) trong ngày lễ hội, có một số tế khí (cả súng trường gỗ). Tất cả được đóng kín bởi bốn cánh cửa đền cổ.

Phía trong điện có đôi câu đối:

Địa thế chung linh hồng điện trạch

Thiên triều tích sủng phượng nghi thư.

Phía trước điện có 4 đại tự “Lượng Giang Chính Khí”

Có hai cặp câu đối khắc vào cột trước điện:

Thần thính chung hòa nhân vĩnh lộc

Linh lai thể đán cảnh trường huy

Và:

Kinh chi dinh chi Khải Định thất niên trọng hạ

Phú hỵ quý hỵ Cam Lâm thập lý đồng xuân.

(Câu 2 nói lên thời gian tôn tạo lần sau)

Trước điện là sân hẹp có tường cao xây bao, hai góc sân có cột hoa biểu thấp, trên có nghê chầu.

 

Tiếp đến là bái đường ba gian, gian giữa đặt ba cấp hương án bằng gỗ, phía trên đặt đồ thờ và long văn. Trên xà gác kiệu đầu rồng, hai bên có tế khí, tàn, tán lọng nhưng bị hư hỏng, có hai ngựa hồng và bạch (một bằng gỗ, một làm lại bằng xi măng) to bằng ngựa thật, đặt trên dàn gỗ thấp, có 4 bánh xe gỗ để đẩy khi rước lễ. Trên mình ngựa là chiếc yên hình chim phượng nằm xoè cánh, cổ có vòng nhạc treo nhiều chuông đồng nhỏ, hai bên có giá chiêng, giá trống.

 

Phía trên bái đường có hai bức đại tự “Thánh Đức Thần Công” và “Hộ Quốc Yên Đan”.

Trong bái đường có ba cặp câu đối:

- Huy hoàng hạo mạnh chu thiên phụng

Phúc úc phương yên hiểm địa linh

         - Tuấn liệt trường khâm trở đậu can qua tả hữu

       Hồng viên vĩnh điện y quan lễ nhạc cổ kim

                           - Văn vọng lưu truyền phong Cổ Đạm

Ân ba tư nhuận địa Cam Lâm

Mặt cột ngoại bái đường có hai cặp câu đối:

- Địa thế trung linh càn long cương thận triều hậu khẳng

Thiên văn cổ tú tốn phượng ngựa trình phủ tiền nhan

              - Đạo bản nhất nguyên viết hợp viết hoàn tri Ất Mão

                    Tru vô nhị trí lai thoa lai hạ giáp Bính Thìn

(Câu 1 ý nói hướng của đền, câu 2 ý nói về thời điểm xây bái đường).

Trước bái đường là sân rộng, cuối sân xây tắc môn, đài hoá vàng. Tất cả khu vực đền nằm trên khu đất được bao bởi rậm cây cổ thụ. Sau đền là những cây gừa, cây bời lời rất lớn. Hai bên cũng là rậm cây lớn, phía trước là những cây to đẹp như cây lim, cây đơn trắng, cây bàng, cây thị,… có cây dây leo xoắn như dây thừng to bằng bắp chân. Đặc biệt có cây gừa rất lớn, thân cây đẹp có “vảy” như thân rồng, cây tỏa vươn dài từ cao chúc xuống ao như rồng xuống uống nước.

 

Ao đền khá rộng, trước kia nước sạch và trong, các đồ lễ đền chỉ được dùng nước ao này để rửa.

Đền Thượng bị bom phá hỏng, long ngai, bài vị và bát hương chính của đền, nay được đặt tại đền Bản Thổ Thành Hoàng, xã đang có kế hoạch xây lại đền uy nghiêm trên nền đất cũ.

Đình Cam Lâm nay xây thêm bái đường, có tường bao quanh, phía trước có hai cột hoa biểu lớn, trên có nghê chầu. Trong đình có một hương án xây nhỏ. Chợ trước đình đã dời đi nơi khác, tuy vậy vẫn còn đôi câu đối ở mặt trước bái đường nhắc lại cảnh xưa:

Cổ Đạm phong hồi trang thứ thị triền tăng hữu hoá

Cam Lâm trạnh bạ vọng trung hải ngạn thủy vô ba.

Đình và hai đền của Cam Lâm rất linh thiêng, là nơi hương khói của cư dân, nên câu cửa miệng ở đây thường là “nhờ giang sơn” nên tôi mới được… ý nói như các Thành Hoàng và thần giúp đỡ trong khi làm ăn. Ngày trước có ba đạo sắc phong chung cho cả ba nơi thờ tự.

Đền được người dân đến hương khói trong những ngày sóc vọng. Riêng ngày 24 tháng Chạp làm lễ tạ ở đền, tạ ơn Thành Hoàng đã giúp dân làm ăn thịnh vượng, vật thịnh nhân khang, tạ ơn Ngư thần phù hộ đã đánh được những mẻ lưới dầm thuyền. Các cụ còn kể: Có người khấn nếu đánh được cá, xin kính một phần mười để tu bổ đền, khi lưới được họ cũng làm đúng như vậy.

 

Trong những ngày Tết Nguyên đán, người dân đến hương khói cầu xin tuỳ lòng. Nhưng ngày mồng Năm Tết xã tổ chức lễ kỳ yên, mồng Sáu Tết xã tổ chức lễ khai hạ. Đây là hai ngày lễ lớn, kiệu thần rước quanh đường làng đến bãi biển, rồi vào đình để tổ chức lễ và hội với các trò chơi như đánh vật, đánh đu, có năm tổ chức chèo bơi, diễn tuồng, diễn tích Kiều,…

Các cụ kể lại rằng: Thời ấy, dân làng ở đây khỏe lắm, đấu vật hầu như không có đối thủ. Ngày ấy các ông gánh nước cứ hai đầu hai chum là chuyện bình thường. Có người lạ qua đường thấy dân ở đây cày ruộng khỏe, họ thách vật, người nông dân này bèn “ôm” trâu xổ bốn chân trâu xuống nước và đặt lên bờ cho sạch, làm cho người kia bạt vía.

Có năm tổ chức vật với voi của quan quân tập luyện ở đây, họ chỉ xin vật với voi mẹ chứ không muốn vật với voi con. Có lần, người dân nơi đây đi qua vùng Đức Thọ nay, khi đi qua xới vật, họ biết là dân Cam Lâm, nên thách vật. Họ đề xuất thích vật sống hay vật chết, nếu vật chết đây có lệ sẽ cấp hòm sơn son. Nhưng nắm chắc phần thắng nên “dân Cam Lâm” chỉ nhận lời “vật sống” (và bị dân vùng này cười khinh). Khi vào vật, trước khi nâng bổng địch thủ lên, người Cam Lâm nhắc lại ta nhận vật sống nên chỉ ném nhẹ xuống xới vật và xin chiếc gậy chống về vì “tui thấm nhọc (mệt) rồi”, họ đồng ý nhưng chưa tìm được gậy, anh ta đã nhổ đoạn cọc tre dùng làm róng, khi nhổ lên đoạn tre đã bị bóp bẹp! Chưa rõ sự thật chiếm bao nhiêu phần chuyện, nhưng đó là niềm tự hào của dân Cam Lâm ngày trước.

Cũng cần nói thêm, một số nhà thờ tổ ở đây là những điện thờ, tịnh thờ được xem là linh thiêng, như nhà thờ họ Trần thờ Phật tổ và Thánh mẫu, nhà thờ họ Ngô thờ Đức thánh thượng, nhà thờ họ Hồ thờ Đại càn quốc gia, nhà thờ họ Nguyễn thờ tiến sĩ Nguyễn Quý Công (Nguyễn Hữu Thuận).

Trong những năm Đảng mới thành lập, các cơ sở đình đền ở đây là nơi bí mật hội họp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đền Thành Hoàng là kho chứa vũ khí an toàn. Đình Cam Lâm là nơi tiễn đưa những người con quê hương lên đường tham gia các cuộc kháng chiến, còn nay đình Cam Lâm là Nhà văn hoá của làng và Cam Lâm đã được công nhận là “làng văn hoá”, đền được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, Quyết định số 1796/QĐ-UBND, ngày 27/6/2008.

 


Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online: 0
Tất cả: 5.869

Sự kiện Sự kiện